28 Tháng 9
nang-luc-chung-minh-kha-nang-lanh-dao

NĂNG LỰC CHỨNG MINH KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO

Lãnh đạo không nhất thiết phải là người học rộng, nhưng nhất thiết phải là người có năng lực.

Họ phải biết lựa lời với cấp trên; phải nghiêm khắc mà độ lượng, ân cần niềm nở với cấp dưới, phải động viên tinh thần cộng sự; phải biết tùy cơ ứng biến, nhanh nhạy khôn khéo với đối phương; phải biết tranh thủ những người ủng hộ; đồng thời đặt mình vào vị trí của những người phản đối mình để tìm cách thu phục họ…

Bồi dưỡng tố chất lãnh đạo không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều, mà cần phải tích lũy qua thời gian. Người lãnh đạo phải không ngừng học tập để nâng cao năng lực và rèn luyện tố chất của mình.

Nội dung dưới đây được trích lược từ cuốn Thuật lãnh đạo - 1 trong 4 tập của bộ Tứ thư lãnh đạo do tác giả Hòa Nhân biên soạn. Đây là những năng lực cốt lõi để một người trở thành lãnh đạo tài năng.

Hàng ngày, chúng ta đều bắt gặp những người không hài lòng với cuộc sống của bản thân và thế giới xung quanh. Thực ra, có tới 98% trong số họ không thể miêu tả rõ ràng về một thế giới khiến họ cảm thấy hài lòng. Họ không có mục tiêu cụ thể để thay đổi cuộc sống.

Một nhân viên bình thường có mục tiêu sẽ trở thành người tạo ra lịch sử, một người không có mục tiêu sẽ mãi mãi chỉ là một nhân viên bình thường.

Mục tiêu giúp bạn biết cái đích phải đến và thúc giục bạn tiến lên. Khi nỗ lực thực hiện mục tiêu, bạn sẽ thấy tự hào về bản thân mình. Cùng với thời gian, khi bạn lần lượt thực hiện được các mục tiêu, tư tưởng và phương thức làm việc của bạn cũng sẽ thay đổi.

Mục tiêu của bạn phải thật cụ thể và có khả năng thực hiện. Đây là điều rất quan trọng. Bởi nếu một kế hoạch được đưa ra không cụ thể, không xác định được có khả thi hay không thì sự tích cực của bạn sẽ bị giảm đi đáng kể vì bạn không biết mình còn cách mục tiêu bao xa.

Khi có những mục tiêu trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy công việc nào cũng đều có ý nghĩa. Cuộc sống của chúng ta vì thế cũng trở nên vui vẻ và tràn đầy sức sống. Đơn giản vì chúng ta đang hướng đến mục tiêu.

Nhiều lúc chúng ta thất bại không phải do những khó khăn trên đường đời, mà do chúng ta không có niềm tin vào mục tiêu của mình. Một mục tiêu có khả năng thành công là động lực giúp chúng ta tiến bước.

Năm 1984, tại giải Marathon quốc tế được tổ chức tại Tokyo, vận động viên người Nhật Bản Keizo Yamada đã bất ngờ đánh bại các tên tuổi lớn, giành được huy chương vàng.

Khi được hỏi lý do gì đã khiến anh giành được thành tích tuyệt vời đến vậy, anh trả lời: “Tôi chiến thắng bằng trí tuệ”.

Mãi đến 10 năm sau, điều bí mật mới được làm sáng tỏ. Trong cuốn tự truyện của mình, Yamada viết: “Trước mỗi lần thi đấu, tôi đều đi xem trước tuyến đường mình sẽ chạy, vẽ lại những địa điểm nổi bật như địa điểm đầu tiên là ngân hàng, tiếp đến là một cái cây to… Vì thế, khi vào cuộc thi chính thức, tuyến đường hơn 40km đã được tôi chia nhỏ ra và hoàn thành hết sức nhẹ nhàng. Thực ra lúc đầu tôi không biết cách làm đó. Tôi chỉ nhắm đến lá cờ cắm ở vạch đích và kết quả là sau khi chạy được hơn 10km, tôi đã kiệt sức. Tôi rất hoảng sợ trước mục tiêu xa vời phía trước”.

Có rất nhiều câu chuyện và nhiều thành quả nghiên cứu chứng minh rằng: Trong mỗi con người đều đang ẩn chứa tiềm năng to lớn chưa được khai thác.

Học giả Mỹ William James đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng: “Người bình thường mới chỉ phát huy được 1/10 khả năng của mình. Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần rất nhỏ tiềm năng của mình…”.

Roosevelt (Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ) từng nói: “Người kiệt xuất không phải là những người được ban cho tài năng thiên bẩm, mà là người biết cách phát huy khả năng của mình ở mức độ cao nhất”.

Thành công là gì? Thành công chính là thiết lập mục tiêu rõ ràng và thực hiện mục tiêu đó bằng nỗ lực của bản thân. Nhưng có không ít người trong quá trình thực hiện mục tiêu lại bị những việc khác thu hút sự chú ý, để rồi liên tục thay đổi mục tiêu, cuối cùng họ đã đánh mất mục tiêu ban đầu của mình.

Có một câu chuyện như thế này. Có ba người công nhân đang xây tường. Một người qua đường hỏi họ: “Anh đang làm gì?”. Người thứ nhất trả lời: “Xây tường”. Người thứ hai trả lời: “Tôi đang kiếm tiền”. Người thứ ba trả lời: “Tôi đang tạo nên một ngôi nhà độc đáo nhất trên thế giới”.

Người thứ nhất làm việc chỉ vì công việc. Người thứ hai làm việc vì tiền, còn người thứ ba làm việc vì một mục tiêu. Được biết đây là câu chuyện có thật, sau đó anh công nhân thứ nhất và thứ hai vẫn chỉ là những công nhân xây tường bình thường, trong khi anh công nhân thứ ba đã trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng.

Việc thiết lập mục tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với việc thành công của cả một kế hoạch. Đó là kim chỉ nam, là điểm xuất phát và đồng thời là đích đến cho mọi kế hoạch và hành động.

Có rất nhiều người không đủ tự tin vào năng lực của bản thân nên thường tìm mọi lý do để biện hộ. Họ đã đổ vấy trách nhiệm cho “ông trời”. Trên thực tế, có nhiều lúc nguyên nhân thất bại của một người là do người đó không có những hành động thiết thực để thực hiện lý tưởng của mình.

Chúng ta thường chỉ có ý tưởng, nhưng lại không biến ý tưởng đó thành mục tiêu. Hơn nữa, ý tưởng đó lại chưa được định hình, nên mục tiêu cũng vì thế mà không rõ ràng. Kết quả là khi hành động người ta mất phương hướng, thậm chí không biết mình còn cách mục tiêu bao xa.

Muốn trở thành người lãnh đạo thành công tự tin và kiêu hãnh, chúng ta phải xác định thật rõ mục tiêu của mình.

Khi mục tiêu đã rõ ràng, thì việc phải làm như thế nào không còn là vấn đề và thành công là chuyện đương nhiên.

Hành động – có mục tiêu đúng phải hành động ngay

Khi mục tiêu đã được thiết lập, người lãnh đạo phải hành động ngay, thậm chí là làm việc không ngừng nghỉ.

Khả năng hành động ngay cũng như khả năng giỏi sắp xếp kế hoạch hành động là điều rất quan trọng trong thành công của bất kỳ cá nhân nào. Nếu thiếu đi khả năng đó, cho dù mục tiêu của bạn có tốt đến đâu, bạn cũng rất khó có thể thực hiện được.

Napoléon từng nói: “Dành chút thời gian để suy nghĩ thấu đáo, khi thời cơ đến thì không nghĩ ngợi gì nữa mà lập tức hành động”.

Tính chủ động giúp nhà lãnh đạo nhìn thấy được những sự việc mà người khác không nhìn thấy, giúp họ có được những việc làm mang tính chiến thuật và giành được sự tín nhiệm của người khác.

Nhưng tại sao nói thì dễ mà làm thì lại khó? Bởi vì chúng ta đã bỏ qua sự liên hệ giữa “biết” và “hành động”. Chúng ta không lựa chọn cách làm chủ động.

Lựa chọn có nghĩa là chúng ta phải chịu trách nhiệm về thái độ và hành vi của chính mình, không đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh. Để làm được điều đó, chúng ta phải trải qua một quá trình tự xung đột, đối kháng. Phải có sự lựa chọn sáng suốt, nếu không, hành động chúng ta rất dễ bị phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Chúng ta hãy hành động trước, sau đó sẽ dần hoàn thiện bản thân trong quá trình hành động.

“Hành động có tác dụng khích lệ chúng ta, đó là biện pháp có hiệu quả để đối phó với tính lười biếng”.

Napoléon đã từng nói một câu rất nổi tiếng: “Lúc nào tôi cũng chiến đấu trước, rồi mới lên kế hoạch chiến đấu sau”. Bạn không cần phải hoàn thiện mình hay thay đổi hoàn toàn thái độ sống của mình trước khi tìm kiếm cuộc sống mà mình đang hướng tới.

Chỉ có hành động mới làm cho bạn “tốt hơn”. Cách làm thông minh nhất là tiến về phía trước, thực hiện mục tiêu mà mình hướng tới. Chúng ta muốn làm gì thì hãy làm việc đó, sau đó mới cần nghĩ đến việc hoàn thiện bản thân hay mục tiêu của mình.

Vận động mới mang lại sự thay đổi, vận động mới mang lại sự phát triển. Cuộc sống là như vậy. “Nói nhiều không bằng làm ít”. Bất cứ kế hoạch nào của người lãnh đạo đều phải biến thành hành động.
Napoléon cũng từng nói: “Nghĩ được tốt là thông minh, lên kế hoạch tốt còn thông minh hơn nữa, nhưng thông minh nhất vẫn là làm được tốt”.

Người lãnh đạo ngoài việc ra một quyết sách đúng đắn cũng cần có một tinh thần “mạo hiểm”. Mạo hiểm có thể khơi gợi sức sáng tạo và ý chí đấu tranh, cổ vũ tinh thần của con người.

Kinh doanh giống như đánh bạc, tính rủi ro rất cao. Cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau. Chúng ta phải luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội bất cứ khi nào nó xuất hiện.

Sau khi nắm bắt được cơ hội, nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn, vì thế chúng ta phải luôn cẩn thận, phải luôn sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra và giành chiến thắng.

Những người không dám mạo hiểm là những người không thể có được thành công. Đó là chân lý bất diệt. Nếu cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau, vậy chúng ta hoàn toàn có thể thử lại lần nữa sau khi thất bại.

Chúng ta thường có thói quen kéo dài thời gian khi làm một việc gì đó, và thường thích hưởng thụ trước khi bắt tay vào hành động. Việc kéo dài thời gian như vậy sẽ dẫn đến thất bại.

Lấy lý do chưa chuẩn bị đầy đủ để không hành động sẽ chỉ làm kế hoạch của chúng ta bị chậm trễ và đánh mất cơ hội mà thôi. Trong hoàn cảnh đó, cách tốt nhất là tận dụng những điều kiện đã có để bắt đầu hành động, vừa hành động vừa tìm kiếm hoặc đợi chờ điều kiện chín muồi.

“Không phải là tôi không muốn hành động mà là hành động cũng không có ích lợi gì, vậy thì còn hành động làm gì nữa?”.

Trên thực tế, hành động không lúc nào là muộn. Có thể trước đó chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội, điều kiện tốt, nhưng trong tình huống đó, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là hành động. Mục đích của hành động là tìm lại những cơ hội và điều kiện đã mất để bù đắp thiệt hại và sai lầm, để công việc quay trở về trạng thái bình thường.

Tài chính – nắm bắt nghệ thuật xoay vòng vốn

Trừ phi một người lãnh đạo đã chứng minh anh ta có thể quản lý tốt tài chính, nếu không, sẽ không ai đem quyền quyết sách ảnh hưởng đến đại cục hưng suy của một doanh nghiệp trao cho anh ta.

Một người lòng tràn đầy hoài bão nên tiêu tiền vào sự nghiệp để tăng thêm cơ hội thành công cho bản thân. Trước khi đạt được thành công ở mức độ nhất định, trong việc chi tiêu thỏa mãn sự hưởng thụ cá nhân, người đó nên hà tiện giống như một nô lệ giữ tiền.

Có nghĩa là, người đó nên cố hết khả năng ưu tiên xem xét chi tiêu những việc cần thiết như: tham gia một khoá học tự nâng cao bản thân, tham gia một câu lạc bộ có lợi cho việc phát triển sự nghiệp…

Đối với chi tiêu cho những việc khác như đua xe, du thuyền… thì nên keo kiệt.

Người chủ hoặc giám đốc một doanh nghiệp thông minh luôn luôn đem lợi nhuận đã đạt được tiến hành tái đầu tư, mở rộng sản xuất để phát triển doanh nghiệp của anh ta. Một người bình thường cũng vậy. Kiểu đầu tư này có thể thực hiện bằng nhiều hình thức: sổ tiết kiệm, bảo hiểm nhân thọ, cổ phiếu…

Sau nhiều năm nghiên cứu đạo lý làm giàu của những người thành công nhất trong xã hội, người ta đã phát hiện ra năm đạo lý cơ bản của việc quản lý tài chính, mỗi đạo lý lại là một bí quyết để gia tăng tài sản. 5 đạo lý đó là:

Thứ nhất, phải luôn suy nghĩ về quản lý tài chính. Điều này đòi hỏi bạn phải luôn có ý thức về việc quản lý tài chính. Ví dụ: làm thế nào để có thể trong thời gian ngắn hơn tôi làm ra nhiều giá trị hơn? Có kỹ thuật mới nào làm cho công ty có sức cạnh tranh hơn không?

Thứ hai, phải luôn tìm cách để duy trì của cải. Để làm được như vậy thì chi tiêu không được vượt quá thu nhập, đồng thời phải đầu tư nhiều kênh.

Thứ ba, phải luôn đạt mức tăng trưởng về tài chính. Phải dùng tiền đã kiếm được đi đầu tư tiếp để có được “lợi nhuận liên tiếp”, như vậy tiền kiếm được luôn luôn có thể tăng lên gấp bội.

Thứ tư, phải bảo vệ tài sản của mình. Nếu hiện nay bạn vẫn chưa suy nghĩ, thì lúc này bạn nên bàn bạc nhiều hơn một chút với chuyên gia, đồng thời học hỏi những chuyên gia đó cách bảo vệ tài sản giống như học những điều khác trong cuộc đời bạn vậy.

Thứ năm, tự thưởng cho mình một phần thưởng nho nhỏ để biểu dương thành công trong quản lý tài chính.

Hầu hết các doanh nhân đối với tiền bạc đều tính toán kỹ lưỡng. Một nhà kinh tế học từng nói: “Một đồng mà bạn tiết kiệm được vĩnh viễn lớn hơn một đồng mà bạn kiếm về”. Bạn có thể tham khảo những bí quyết tiết kiệm tiền dưới đây:

Liên tục bỏ ra một phần lương gửi vào ngân hàng, 5%, 10%, nhất định phải gửi.

Ghi lại tỉ mỉ thành bảng biểu các khoản thu chi tiền của bạn mỗi ngày, mỗi tuần, tháng.

Chỉ giữ một chiếc thẻ tín dụng đủ để chứng minh thân phận, còn tiền nợ hàng tháng tuyệt đối phải trả hết.

Đơn giản hoá cuộc sống, nhà không cần quá rộng, mua lại xe đã qua sử dụng…

Khi mua đồ đừng quên nghĩ một chút “tiền này tiêu có đáng không”. Hàng rẻ tiền chưa chắc đã không tốt, hàng đắt tiền cũng chưa chắc có thể bảo đảm chất lượng.

Nhất quyết phải mặc cả. Nếu bạn không đưa ra ý kiến, người bán hàng sẽ không bao giờ chủ động giảm giá bán đồ cho bạn.

Nguồn: DNSG

Nếu bạn cảm thấy tài liệu này giúp ích cho bạn, hãy nhấn  

...Hãy gửi link này cho người thân, bạn bè.

Nhận xét